Nhiều người thường xuyên sử dụng cách truyền nước biển khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, suy nhược mà không chú ý tới các hậu quả có thể gặp phải nếu truyền quá liều hoặc truyền không đúng cách. Việc truyền nước chỉ nên tiến hành khi thực sự cần thiết và có sự chỉ định rõ ràng từ bác sĩ.
Cơ thể mệt mỏi và việc truyền nước biển, đúng hay sai?
Thực tế, khi cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ, biếng ăn, khó chịu trong người, nhiều người nghĩ ngay đến việc truyền nước biển để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh cần phải hiểu rõ truyền nước biển có những tác dụng gì, liệu có an toàn và đơn giản như mọi người vẫn nghĩ không?
Việc tự ý truyền nước biển tại nhà mà không có các phương tiện xét nghiệm để xác định cơ thể thiếu hay thừa chất gì trong máu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng không lường trước được.
Khi nào cần phải truyền nước biển?
Cơ thể mỗi người đều có các chỉ số trung bình về máu, đường, điện giải, muối,… Nếu các chỉ số này thấp hơn mức cho phép thì cần bù đắp, nhưng làm thế nào để biết khi nào cần bù đắp và bù bao nhiêu là đủ? Do đó cần các xét nghiệm để xác định liệu truyền nước biển có cần thiết hay không.
Bác sĩ và y tá sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm để xác định trường hợp nào cần truyền nước biển và trường hợp nào chưa cần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm, bác sĩ vẫn chỉ định truyền nước biển như: bệnh nhân bị mất nước, ngộ độc, suy dinh dưỡng nặng, mất máu, trước và sau phẫu thuật…
Các thời điểm cần truyền nước biển
Truyền nước biển sẽ đem lại hiệu quả khi được dùng đúng bệnh, đúng lúc, đúng liều. Việc lạm dụng truyền nước hoặc dùng sai chỉ định có thể dẫn đến nhiều tai biến. Người bệnh cần truyền nước biển trong các tình huống sau:
- Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể khi người bệnh không thể ăn uống được, suy kiệt, hôn mê, phẫu thuật đường ruột…
- Bồi hoàn lượng nước mất đi trong cơ thể như khi sốt cao, ói mửa, tiêu chảy, bỏng, chấn thương gây mất máu…
- Bổ sung các chất điện giải như natri, kali, canxi, clor… Những chất này thường được phát hiện thiếu hụt qua các xét nghiệm máu.
- Sử dụng đường truyền nước biển để pha loãng thuốc đưa vào cơ thể từ từ, vì có một số loại thuốc không thể tiêm thẳng và nhanh vào mạch máu.
Nguy hiểm khi truyền nước biển sai cách
Truyền nước biển không đúng cách hoặc không đúng liều lượng sẽ gây ra các tác dụng phụ như:
- Tác dụng phụ tại vị trí truyền như: đau, sưng nơi truyền, phù chỗ tiêm, viêm tĩnh mạch đặc biệt khi truyền các loại nước biển ưu trương.
- Phản ứng toàn thân như: rét run, cảm giác lạnh, vã mồ hôi, sắc mặt tái, khó thở, đau ngực… Những trường hợp này cần báo ngay cho nhân viên y tế để xử lý kịp thời, tránh diễn tiến xấu hơn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có nguy cơ gặp phải các biến chứng như sau:
- Run tiêm truyền và sốc: Biến chứng này có thể xảy ra trong quá trình truyền nước biển khi bệnh nhân đột nhiên sốt, lạnh run, toát mồ hôi… Trường hợp nặng hơn có thể gây ra hôn mê, tụt huyết áp, ngưng tim ngưng thở và tử vong.
- Nhiễm trùng: Nếu vị trí truyền không được sát trùng kỹ càng hoặc dụng cụ không đảm bảo vô trùng, có thể dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ, sưng phù do lệch kim khỏi tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch. Khi vi trùng xâm nhập vào máu, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng có thể xảy ra. Việc sử dụng chung kim, ống chích, dây truyền giữa nhiều người cũng có nguy cơ lan truyền các bệnh lý nguy hiểm như: viêm gan siêu vi B, C, nhiễm HIV, sốt rét…
- Quá tải thể tích: Khi truyền nước biển với lượng lớn hoặc tốc độ truyền nhanh, các bộ phận như tim và phổi có thể không chịu nổi, dẫn đến khó thở, mệt mỏi, suy tim và phù phổi cấp. Biến chứng này đặc biệt dễ xảy ra ở những người lớn tuổi, bệnh nhân có vấn đề về tim, suy thận, trẻ em…
- Tắc khí: Khi truyền nước biển nếu không chú ý hoặc để bóng khí lọt vào mạch máu, có thể gây thuyên tắc khí, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.
Chỉ dưới sự chỉ định của bác sĩ, phương pháp truyền nước biển mới được coi là an toàn, kiểm soát đúng loại dung dịch truyền và tốc độ truyền phù hợp với cơ thể bệnh nhân. Quan trọng là phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về tốc độ, thời gian, số lượng, và bảo đảm dụng cụ vô trùng khi truyền nước biển. Ngoài ra, nơi truyền nước biển cần có đủ các điều kiện xử lý chống sốc để đối phó với các sự cố, và người thực hiện cần phải có trình độ chuyên môn cao. Quan trọng nhất là bệnh nhân cần được theo dõi sát sao suốt quá trình truyền nước biển để kịp thời cấp cứu khi có tai biến hay biến chứng xảy ra.
Bảo Hân
Nguồn tham khảo: Tổng hợp