Bệnh sán mèo ở người xảy ra khi nhiễm phải ấu trùng giun sán ký sinh từ mèo hoặc chó. Việc nhận định rõ những dấu hiệu của nhiễm sán chó sẽ giúp người bệnh phát hiện và điều trị kịp thời, từ đó hạn chế được các biến chứng nguy hiểm. Cùng Tin tức Sức khỏe khám phá các dấu hiệu bị sán mèo trong bài viết dưới đây nhé!
Bệnh sán mèo ở người là gì?
Sán mèo ở người là một bệnh ký sinh trùng do Toxocara cati – loài giun sán tròn sống trong ruột mèo – gây ra. Trứng giun sau khi được đẻ ra sẽ theo phân thải ra ngoài và hóa phôi trong khoảng từ 1 – 2 tuần. Trong giai đoạn này, nếu nuốt phải trứng sán, người có thể bị mắc bệnh.
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm sán mèo nếu tiếp xúc với trứng sán, nhưng trẻ em thường có nguy cơ cao hơn do thói quen chơi đùa với đất cát, nơi trứng giun dễ phát tán bởi mèo có thói quen phóng uế không có trật tự.
Sau khi nuốt phải ấu trùng giun sán, ấu trùng sẽ được phóng thích và nhanh chóng di chuyển qua ruột, đến gan, phổi, hệ thần kinh thông qua đường máu. Tại đây, ấu trùng có thể cư ngụ nhiều tháng trong những tổ chức mô nội tạng và bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Tuy nhiên, phản ứng viêm này cũng có thể gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng.
Nhận diện dấu hiệu sán mèo lây sang người
Triệu chứng của bệnh sán mèo có thể dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề da liễu khác. Một số dấu hiệu nhiễm sán mèo ở người dễ nhận biết bao gồm:
Rối loạn tiêu hóa
Dấu hiệu đầu tiên của nhiễm sán mèo thường xuất hiện tại cơ quan tiêu hóa – nơi ấu trùng cư trú và phát triển mạnh nhất trước khi di chuyển. Người nhiễm sẽ cảm thấy đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn ói,… Khi phát triển, sán mèo tiết ra chất kích thích ruột, giảm lượng nước hấp thu, dẫn đến cơ thể thiếu nước.
Ngoài ra, nếu tình trạng táo bón vẫn xảy ra thường xuyên dù chế độ ăn đã bổ sung đủ chất xơ từ rau củ và trái cây, đó có thể là dấu hiệu sán mèo đã tiến triển sang giai đoạn mãn tính do giảm lượng nước hấp thu, dễ gây khó tiêu và táo bón.
Mẩn ngứa da
Độc tố sán mèo gây ra tình trạng ngứa da kéo dài và nổi mẩn đỏ, đặc biệt vào ban đêm. Vị trí ngứa thường không cố định và có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào. Thông thường, cảm giác ngứa sẽ biến mất sau khi được điều trị với các loại thuốc tiêu diệt giun sán đặc hiệu.
Đau đầu, mệt mỏi toàn thân
Giun sán mèo có thể di chuyển lên não, gây ra các triệu chứng thần kinh như đau đầu và mệt mỏi toàn thân. Phản ứng viêm do sán mèo còn có thể gây viêm dây thần kinh, viêm cơ khiến các nhóm cơ mệt mỏi, căng cứng. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ cảm thấy uể oải và chỉ muốn nằm. Lúc này, cần đi kiểm tra và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu sán mèo khi di chuyển đến mắt
Trường hợp nếu thấy xuất hiện…
Triệu chứng đột ngột như giảm thị lực, mắt nhìn mờ, đau nhức một bên mắt, cộm mắt,… nhưng không hiệu quả với thuốc nhỏ mắt. Đây có thể là dấu hiệu sán mèo khi ấu trùng tấn công mắt và phá hủy các mô chức năng. Vì vậy, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng này.
Sán mèo ảnh hưởng đến hệ tim mạch
Người bị nhiễm sán mèo có thể gặp các triệu chứng như rối loạn nhịp tim, cảm giác mệt mỏi và hồi hộp đánh trống ngực. Nếu nghi ngờ nhiễm sán mèo, hãy kiểm tra huyết áp và nhịp tim thường xuyên.
Tâm lý không ổn định
Người nhiễm sán mèo có thể gặp khó khăn trong giấc ngủ, thậm chí mất ngủ kéo dài dù đã sử dụng các loại thảo dược an thần. Mất ngủ kéo dài có thể làm tâm lý người bệnh ảnh hưởng, gây khó chịu, dễ cáu gắt và phản ứng mạnh với người xung quanh.
Cách điều trị khi bị nhiễm bệnh sán mèo
Để xác định nhiễm sán mèo, cần đến các cơ sở uy tín để xét nghiệm máu. Bệnh sán mèo hoàn toàn có thể điều trị được, do đó nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị sớm ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ. Tùy vào tình trạng bệnh và cơ địa của từng người, sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Nếu bị nhiễm sán mèo giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần dùng thuốc theo chỉ định và điều chỉnh lối sống, chọn thực phẩm sạch và ăn uống hợp vệ sinh để điều trị bệnh. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với mèo hoặc đất nhiễm phân mèo.
Tuy nhiên, nếu bệnh đã lan sang các cơ quan khác, bác sĩ cần có phác đồ cụ thể để điều trị dứt điểm bệnh và các tổn thương gây ra. Việc phát hiện sớm dấu hiệu sán mèo rất quan trọng trong điều trị và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Biện pháp phòng ngừa các dấu hiệu sán mèo
Mèo rất gần gũi với con người, ai cũng có thể bị nhiễm sán mèo. Thói quen ăn rau sống, thịt sống, hải sản, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và sống chung với thú cưng có thể dẫn đến nhiễm sán mèo. Dù khó nhưng người bệnh cần thay đổi thói quen để tránh làm tình trạng nặng hơn.
Tại Việt Nam, bệnh sán mèo chưa được nghiên cứu phổ biến do triệu chứng không đặc hiệu. Xét nghiệm phân thường không áp dụng do sán mèo chưa đến giai đoạn trưởng thành để đẻ trứng trong ruột người. Để phòng ngừa sán mèo, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch với xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với mèo, trước khi chế biến và ăn uống, hoặc sau khi hoạt động ngoài trời.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, ăn chín uống sôi; rửa sạch kỹ rau sống dưới vòi nước chảy.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với mèo như vuốt ve, ôm, hôn, ngủ chung,… Đặc biệt là với mèo chưa tiêm phòng và xổ giun đầy đủ.
- Tắm cho mèo thường xuyên, khám sức khỏe và xổ giun định kỳ.
- Không ăn thịt chó mèo, đặc biệt khi chưa chế biến và nấu chín kỹ.
- Khi làm việc trong môi trường đất cát, tắm rửa thật kỹ trước khi ăn uống.
- Hạn chế trẻ em chơi ở nơi có phân mèo và rửa tay cho trẻ sau khi tiếp xúc môi trường ngoài.
- Tuyên truyền và nâng cao ý thức với hộ nuôi mèo, không thả mèo lung tung và xử lý phân mèo đúng cách để bảo vệ môi trường.
Bài viết đã giới thiệu về các dấu hiệu sán mèo và biện pháp phòng ngừa. Nếu thường xuyên tiếp xúc với chó mèo và phát hiện cơ thể có biểu hiện bất thường, người bệnh cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị triệt để.