Các loài bọ xít thịnh hành trong điều kiện mùa hè nóng ẩm. Chúng chủ yếu sống ở vùng nhiều cây cối như ngoại thành, nông thôn, miền núi,… Không chỉ gây hại cho cây trồng, một số loại bọ xít còn có thể đe dọa sức khỏe con người nếu ăn phải, tiếp xúc với nước tiểu của chúng hoặc chạm vào chúng. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá về các loài bọ xít, trả lời câu hỏi liệu bọ xít có độc không và hướng dẫn cách xử lý khi bị bọ xít cắn hoặc tiểu lên da.
Đặc điểm nổi bật của loài bọ xít
Bọ xít (Pentatomidae) thuộc nhóm côn trùng kích thước nhỏ trong bộ cánh nửa. Chúng có nhiều loại với tên gọi và đặc điểm khác nhau như bọ xít xanh, bọ xít nâu, bọ xít đen, bọ xít cam, bọ xít hút máu người,… Một số loài bọ xít được xem là nguy hiểm vì khả năng tấn công và phá hoại cây trồng, cũng như gây ra vết cắn xấu xí.
Chúng sinh sôi mạnh mẽ vào mùa hè thông qua việc đẻ trứng. Bọ xít thường đẻ trứng thành cụm và bám vào bề mặt lá cây, đôi khi cả trên quần áo phơi ngoài trời. Trứng bọ xít có hình tròn, ban đầu màu xanh nhạt, sau đó chuyển dần sang hồng tối và đen khi sắp nở. Trứng bọ xít không nguy hiểm khi chưa nở, nhưng nếu vỡ hoặc nở ra, chúng sẽ giải phóng chất dịch màu vàng độc, gây phồng rộp hoặc tổn thương da khi tiếp xúc.
Một số loài bọ xít ăn côn trùng nên trong nông nghiệp chúng được sử dụng như thiên địch, chẳng hạn bọ xít nước, bọ xít mù xanh, bọ xít bắt mồi,…
Bọ xít có độc không?
Ở Việt Nam có nhiều loại bọ xít, trong đó một số loài có chất độc có thể đe dọa con người. Ngay cả khi không có độc, bọ xít vẫn có thể mang mầm bệnh từ vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, khiến chúng trở thành nguồn lây bệnh cho con người.
Vậy bọ xít có độc không? Nguy hiểm của bọ xít thường đến từ nước tiểu hoặc khi chúng được dùng làm thức ăn. Nhiều loài bọ xít có độc trong nước tiểu, gây kích ứng da hoặc nguy cơ mù lòa khi tiểu vào mắt. Nguyên nhân là do chứa một loại axit cực mạnh. Một số triệu chứng khi dính độc của bọ xít bao gồm:
- Nóng rát, đau ở vùng da tiếp xúc với chất dịch;
- Da chuyển màu từ tự nhiên sang vàng rồi nâu sẫm;
- Xuất hiện vết bỏng trên da.
Mặc dù chưa rõ bọ xít có độc không, nhưng nhiều người đã chế biến bọ xít làm thức ăn, dẫn đến ngộ độc và thậm chí tử vong. Theo các chuyên gia, thông tin về độc tính của bọ xít chưa được phổ biến và chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định bọ xít ăn được. Thêm vào đó, nhiều loài bọ xít dễ bị nhầm với côn trùng nguy hiểm khác. Do đó, không nên tự ý ăn bọ xít và cần đến y tế kịp thời khi bị ngộ độc.
Đặc biệt, có loại bọ xít được gọi là “bọ xít hút máu người” do khả năng hút máu các loài động vật như người, chó, mèo, gia súc,… Khi bị bọ xít hút máu người cắn, con ngườithường khó nhận biết vì không gây đau đớn. Lý do là bởi khi cắn, bọ xít tiêm vào cơ thể một chất gây tê từ nước bọt của chúng, làm tê liệt hoàn toàn vùng bị cắn tương tự như chất gây mê của rệp. Những vết cắn của bọ xít hút máu có thể gây sưng, tấy đỏ, kích ứng da, nhiễm trùng, và thậm chí sốc phản vệ.
Cách sơ cứu khi bị bọ xít cắn hoặc chất thải tiếp xúc da
Trường hợp bọ xít cắn
Bên cạnh câu hỏi bọ xít có độc không, vấn đề về cách phòng tránh và xử lý khi bị bọ xít cắn hoặc chất thải tiếp xúc da cũng rất được quan tâm. Nếu bạn không may bị bọ xít cắn, hãy rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ngay lập tức. Sau đó, sát khuẩn lại bằng dung dịch oxy già. Cuối cùng, nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Cần chú ý, tuyệt đối không được gãi vì điều này có thể làm vết cắn bị loét và nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Trường hợp chất thải bọ xít tiếp xúc da hoặc mắt
Hai tình huống này khá phổ biến, đặc biệt là đối với những người làm nông nghiệp. Khi bị chất thải của bọ xít tiếp xúc với da, không nên lau chùi mà hãy rửa ngay dưới vòi nước để chất dịch trôi đi. Việc lau chùi có thể làm lan rộng chất dịch đến các vùng da khác. Nếu da bị kích ứng hoặc phồng rộp, hãy đến cơ sở y tế để bác sĩ chỉ định thuốc thích hợp.
Nếu chất thải của bọ xít bắn vào mắt, hãy nhỏ nước muối sinh lý liên tục vào mắt để làm loãng và rửa sạch chất dịch. Đồng thời, cần phải đến cơ sở y tế để kiểm tra, nhất là trong các trường hợp mắt bị xung huyết, sưng đỏ, hoặc mờ.
Tóm lại, bọ xít không phải là loài côn trùng thân thiện với con người và cây trồng. Dù bọ xít có độc không thì chúng ta vẫn nên tránh xa chúng. Hy vọng thông tin trong bài viết này giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về độc tính của bọ xít và cách sơ cứu đúng khi bị chúng cắn hoặc chất thải tiếp xúc da.