Glucosamine là một chất tự nhiên hiện diện trong sụn khớp khỏe mạnh của cơ thể con người và được bào chế thành dược phẩm. Glucosamin, khi dùng để điều trị viêm xương khớp, giúp giảm triệu chứng của thoái hóa khớp gối mạn tính.
1. Bệnh lý viêm xương khớp
Viêm xương khớp là bệnh mãn tính do sự phá hủy của dịch khớp, làm xương mất lớp đệm và ma sát nhau. Qua thời gian, tình trạng này dẫn tới cứng khớp, khó cử động, đau và giảm khả năng di chuyển của cơ thể. Bệnh tập trung vào các khớp như gối, hông, tay, chân và cả cột sống. Các yếu tố nguy cơ liên quan tới viêm xương khớp bao gồm:
- Lão hóa;
- Béo phì;
- Ít vận động, tập thể dục;
- Chấn thương;
- Giới tính.
Viêm xương khớp là nguyên nhân chính làm mất khả năng vận động tại các nước phát triển, theo thống kê. Khoảng 9,6% đàn ông và 18% phụ nữ trên 60 tuổi gặp các triệu chứng đau nhức khớp; 80% bệnh nhân bị giảm khả năng di chuyển, và 25% người bệnh viêm xương khớp không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.
2. Glucosamine là gì?
Glucosamin là một amino – mono – saccharic xuất phát từ nội sinh, được cơ thể tạo ra nhưng giảm dần theo độ tuổi. Đây cũng là thành phần giúp tổng hợp glycosaminoglycan, cấu tạo nên mô sụn trong cơ thể. Hơn nữa, glucosamin có thể lấy từ vỏ tôm cua và động vật biển.
Glucosamine có thể được khuyến nghị để điều trị một số bệnh lý như:
- Thoái hóa khớp;
- Viêm khớp, viêm khớp dạng thấp;
- Thoái hóa cột sống;
- Gai cột sống;
- Viêm bàng quang kẽ;
- Viêm đường ruột (IBD);
- Bệnh đa xơ cứng (MS);
- Tăng nhãn áp;
- Viêm khớp thái dương hàm (TMJ).
Trong nhiều tình huống, thuốc phát huy tác dụng tối ưu khi kết hợp với chondroitin (chondroitin sulfate là thành phần ở sụn khớp, xương, da, giác mạc và thành động mạch).
3. Hiệu quả điều trị viêm xương khớp bằng glucosamin
Glucosamin và các dạng muối được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý về xương khớp. Hiện nay, có nhiều chế phẩm hỗ trợ sức khỏe kết hợp glucosamin với các thành phần khác như: chondroitin, vitamin, khoáng chất và dược liệu.
Những nghiên cứu trước đây cho rằng glucosamin an toàn và hiệu quả trong việc giảm đau, cũng như cải thiện chức năng cho bệnh nhân viêm xương khớp mãn tính. Tuy nhiên, các phân tích ngẫu nhiên sau này kết luận rằng các lợi ích tiềm năng của glucosamin có thể đã bị phóng đại. Một số nghiên cứu gần đây không chứng minh được tác dụng của glucosamin và chondroitin sulfat (dù dùng đơn lẻ hay kết hợp) trên các bệnh nhân bị viêm xương khớp.
Nhìn chung, từ trước đến nay, có nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của việc điều trị viêm xương khớp bằng glucosamine. Phần lớn các nghiên cứu tích cực được tài trợ bởi nhà sản xuất các chế phẩm glucosamin, trong khi các nhà khoa học trung lập không thu thập đủ bằng chứng về hiệu quả chữa bệnh của hoạt chất này.
Do tính hiệu quả của điều trị viêm xương khớp bằng glucosamin vẫn chưa được chứng minh đầy đủ, nên chế phẩm này chỉ được lưu hành như “thực phẩm chức năng” (dietary supplementation) tại một số quốc gia. FDA đã đồng ý công bố thông tin rằng “Bổ sung chế độ ăn với glucosamin sulfat kết tinh làm giảm nguy cơ viêm xương khớp”.trên các bao bì nhãn mác. Đồng thời, trong Dược thư Anh (British National Formulary 59) cũng ghi nhận rằng glucosamin có thể “giảm triệu chứng của viêm khớp gối ở mức độ nhẹ và trung bình”.
Từ đó, có thể rút ra kết luận rằng glucosamin không thể thay thế các loại thuốc điều trị viêm xương khớp truyền thống. Hơn nữa, hiệu quả của glucosamin không phải lúc nào cũng đạt được kết quả tích cực, tác dụng của glucosamin trong điều trị viêm xương khớp vẫn còn nhiều tranh cãi. Vì vậy, khi có ý định sử dụng các chế phẩm chứa glucosamin, cả người kê đơn và bệnh nhân cần cân nhắc tất cả các yếu tố, đặc biệt là giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả điều trị chưa rõ ràng của thuốc này.
4. Một số lưu ý khi sử dụng glucosamin
4.1. Các dạng chế phẩm glucosamin
Các chế phẩm glucosamin đa dạng trong điều trị bao gồm:
- Glucosamin sulfat;
- Glucosamin hydrochorid;
- N-Acetylglucosamin.
Trong đó, dạng muối sulfat – chiết xuất từ động vật có vỏ, được sử dụng phổ biến nhất trong các nghiên cứu và có thể mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị viêm xương khớp bằng glucosamin. Do đó, nhân viên y tế và người tiêu dùng cần chú ý đến thông tin về hai dạng còn lại của glucosamin trên nhãn sản phẩm.
4.2. Hàm lượng
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại glucosamin với hàm lượng rất đa dạng, bao gồm:
- Viên nén 250mg;
- Bột hoặc dung dịch uống 1,5g;
- Dung dịch tiêm 400mg/3ml.
Phần lớn các nghiên cứu thường sử dụng tổng liều 1200 – 1500 mg glucosamin cho người lớn và chia làm 3 lần/ngày. Nếu kết hợp glucosamin với chondroitin, liều lượng được khuyến cáo là 1200 mg và cũng chia thành 3 lần/ngày. Thông thường, bệnh nhân cần sử dụng theo liệu trình 2 – 3 tháng và điều trị nhắc lại mỗi 6 tháng. Trong trường hợp sau khi kết thúc liệu trình mà không thấy cải thiện triệu chứng, bệnh nhân nên ngừng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ.
4.3. Nguồn gốc
Các chế phẩm glucosamin trên thị trường hiện nay được sản xuất từ nhiều nguồn gốc khác nhau, do đó chất lượng cũng không đồng nhất. Chẳng hạn như ở Mỹ, glucosamin chỉ được xếp vào loại thực phẩm chức năng nên ít bị kiểm duyệt chặt chẽ về chất lượng. Trong khi đó, các chế phẩm glucosamin từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia,… đang xuất hiện rộng rãi tại Việt Nam lại ít được nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng, hiệu quả cũng như chất lượng.
4.4. Tác dụng phụ
Trong quá trình điều trị viêm xương khớp bằng glucosamin, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Rối loạn tiêu hóa;
- Buồn nôn, nôn;
- Đau đầu;
- Phát ban;
- Ợ nóng;
- Đau dạ dày;
- Buồn ngủ;
- Dễ chảy máu…
4.5. Những lưu ý khác
- Thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường huyết và insulin, do đó người bị tiểu đường cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng;
- Glucosamin có thể tương tác với một số loại thuốc khác như: Thuốc hạ sốt giảm đau Paracetamol, thuốc điều trị tăng mỡ máu, thuốc trợ tim…
- Phụ nữ mang thai và cho con bú, cũng như trẻ vị thành niên không nên dùng Glucosamine nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ;
- Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc cần thông báo cho bác sĩ trước khi sử dụng Glucosamine;
- Nên ngưng thuốc ít nhất 2 tuần trước khi tiến hành phẫu thuật (kể cả phẫu thuật nha khoa).
Tóm lại, chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của glucosamine trong điều trị viêm xương khớp, do đó vấn đề này vẫn còn tranh cãi. Nếu có nhu cầu sử dụng, bệnh nhân cần nhớ một số lưu ý khi dùng glucosamin về dạng bào chế, hàm lượng, cũng như nguồn gốc và chất lượng sản phẩm… Giống như các loại thuốc khác, việc sử dụng glucosamine đúng liều và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ đóng vai trò quan trọng, giúp mang lại biến chuyển tốt cho các triệu chứng viêm xương khớp.
.
.