Làm sao để nắm rõ chỉ số Pulse trên máy đo huyết áp hiện nay khi mà máy đo huyết áp điện tử ngày càng phổ biến nhờ tính tiện lợi, nhỏ gọn và độ chính xác cao? Những người mắc bệnh huyết áp cần theo dõi thường xuyên các thông số này để kịp thời phát hiện bệnh sớm.
Việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà rất quan trọng để giúp mọi người trong gia đình kiểm tra tình trạng sức khỏe của từng thành viên. Ngoài 2 chỉ số chính là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, chỉ số Pulse cũng rất quan trọng và được đo bằng máy đo huyết áp. Vậy chỉ số Pulse trên máy đo huyết áp là gì? Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến chỉ số Pulse? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để Tin tức Sức khỏe giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Tìm hiểu sâu hơn về chỉ số Pulse trong máy đo huyết áp
Hầu hết các máy đo huyết áp điện tử trên thị trường hiện nay sẽ hiển thị 3 chỉ số chính là SYS, DIA và PULSE.
Chỉ số Pulse trên máy đo huyết áp là gì?
Chỉ số Pulse là chỉ số nhịp tim, hiểu một cách đơn giản thì đây là số lần tim co bóp (đập) trong một phút. Chỉ số Pulse được sử dụng để đánh giá các vấn đề liên quan đến hoạt động co bóp của tim để đưa máu đi khắp cơ thể.
Chỉ số Pulse bình thường là bao nhiêu?
Ở trạng thái nghỉ ngơi, không hoạt động mạnh, chỉ số Pulse bình thường của người trưởng thành dao động từ 60 – 80 nhịp/phút.
Nhịp tim trên 100 nhịp/phút sẽ được xem là nhanh và ngược lại, nhịp tim dưới 60 nhịp/phút sẽ coi là chậm. Đặc biệt trong trạng thái ngủ hoặc đối với người trưởng thành thường xuyên vận động thể thao, nhịp tim có thể thấp, dao động từ 50 – 60 nhịp/phút.
Những hậu quả khi chỉ số Pulse bất thường
Chỉ số Pulse thay đổi bất thường là dấu hiệu của bệnh lý rối loạn nhịp tim. Đây là một bệnh rất nguy hiểm liên quan đến tim mạch khi nhịp tim không đều đặn, có lúc đập quá nhanh (chỉ số Pulse > 100 nhịp/phút) hoặc quá chậm (chỉ số Pulse < 60 nhịp/phút).
Khi nhịp tim quá nhanh dẫn đến tim không bơm đủ máu đến các cơ quan trong cơ thể. Đây là nguyên nhân khiến các cơ quan và các mô thiếu oxy, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, lâng lâng, cảm giác đánh trống ngực, đau tức ngực, ngất xỉu,…
Nếu không được điều trị kịp thời, chỉ số Pulse thay đổi bất thường có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng của tim và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ, ngưng tim đột ngột hoặc tử vong,… Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi tập thể dục hoặc khi phản ứng với căng thẳng, chấn thương, bệnh tật, nhịp tim nhanh là điều bình thường.
Chỉ số Pulse quá thấp khi tim bị ảnh hưởng xấu
Ngoài ra, nhịp tim chậm có thể do khả năng tạo nhịp của tim bị suy giảm. Đường dẫn truyền nhĩ thất bị tắc nghẽn cũng là nguyên nhân khiến chỉ số Pulse giảm mạnh. Ngày nay, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là cấy máy tạo nhịp tim để duy trì nhịp tim cho bệnh nhân và tránh đột tử do ngừng tim kéo dài.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số Pulse trong máy đo huyết áp
Thực tế, chỉ số Pulse chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như:
- Nhiệt độ môi trường xung quanh: Nhiệt độ thay đổi có thể ảnh hưởng đến kết quả khi đo huyết áp, cụ thể là chỉ số Pulse.Khi trời nóng lên, nhịp tim sẽ tăng do tim phải bơm máu mạnh và nhanh hơn, dẫn đến việc nhịp tim tăng thêm khoảng 5 – 10 nhịp mỗi phút.
- Tư thế khi đo: Yếu tố này có thể gây ra sự chênh lệch lớn trong kết quả đo. Vì vậy, trước khi bắt đầu đo, nên dành ra 5 – 10 phút để nghỉ ngơi.
- Cân nặng: Người bị béo phì hoặc thừa cân thường có chỉ số Pulse cao hơn khi đo huyết áp.
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc có chứa chất ức chế beta sẽ làm nhịp tim chậm lại, trong khi thuốc chữa trị tuyến giáp lại gây tăng nhịp tim.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về chỉ số Pulse trong máy đo huyết áp, từ đó hiểu được tình trạng tim mạch của mình sau mỗi lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao để kịp thời xử lý nếu chỉ số này có những bất thường.
Mỹ Duyên
Nguồn tham khảo: Vinmec.com