Trước đây, cây trám mọc tự nhiên và người dân khai thác thân để lấy gỗ, quả để làm thực phẩm, lấy tinh dầu và làm thuốc chữa bệnh. Ngày nay, cây trám được trồng rộng rãi tại nhiều địa phương, tạo nên giá trị kinh tế cao. Từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm là mùa thu hoạch quả trám. Quả trám có hai loại chính: trám trắng và trám đen. Vậy sự khác biệt giữa quả trám đen và trám trắng là gì và công dụng của chúng ra sao?
Quả trám đen là quả gì? Cách phân biệt trám đen và trám trắng
Cây trám là loài thân gỗ lớn, thuộc nhóm cây bản địa. Một cây trám trưởng thành có thể cao lên đến 30m, với thân có đường kính tới 70cm. Cây có thân tròn, mọc thẳng, tán lá rộng và lá xanh quanh năm. Ở Việt Nam có 2 loài trám: trám đen và trám trắng.
Trám trắng có tên khoa học là Canarium album và trám đen là Canarium tramdeum. Quả của cả hai loại có hình dáng khá giống quả oliu. Do đó, trám trắng được gọi tiếng Anh là Chinese white olive, còn trám đen là Chinese black olive.
Ở Việt Nam, quả trám trắng còn được biết đến với các tên khác như cà ná, cảm lãm, thanh quả, mác cơm, gián quả, bạch lãm,… Trám đen được dân gian gọi là ô lãm, trám chim, mộc uy tử, hắc lãm,… Phân biệt quả của trám trắng và trám đen dựa trên màu sắc: Trám trắng khi non và xanh có màu xanh, lúc chín ngả vàng nhẹ. Trám đen khi non hoặc chín đều mang màu tím than và khi chín bên ngoài quả được phủ lớp phấn trắng.
Quả trám đen dưới góc nhìn Y học cổ truyền và Y học hiện đại
Thân cây trám đen trước kia mọc nhiều trong tự nhiên, được khai thác làm gỗ xây dựng và làm nhà. Quả trám thì được dùng làm thực phẩm và trong nhiều bài thuốc Đông y. Cả Y học cổ truyền và Y học hiện đại đều công nhận công dụng và lợi ích của quả trám đen.
Theo Y học cổ truyền, quả trám đen có tính bình, vị chua, hơi ngọt và đắng nhẹ. Đông Y sử dụng quả trám đen trong các bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, thông họng, lợi phế, sinh tân và chữa khát. Còn nhiều bài thuốc từ quả trám hiện vẫn được sử dụng để chữa ho, trị cảm, kiết lị, ngộ độc,…
Y học hiện đại phát hiện ra rằng quả trám đen chứa một bảng thành phần dinh dưỡng đa dạng và phong phú. Trái trám đen cung cấp chất bột đường, chất béo, chất xơ và nhiều vitamin (E, nhóm B, P) cùng các khoáng chất thiết yếu (sắt, phốt pho, kali, canxi, kẽm). Đặc biệt, quả trám đen không có độc như một số lời đồn đại.
Tác dụng trị bệnh của quả trám đen
Quả trám đen có tác dụng gì? Bên cạnh việc dùng làm thực phẩm, quả trám đen còn là thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc Đông y. Trám đen có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý và vấn đề sức khỏe thường gặp như:
Hỗ trợ điều trị chứng khàn giọng, viêm họng
Người bị viêm họng cấp, khàn giọng có thể sử dụng bài thuốc sau để chữa trị mà không cần kháng sinh: Ninh kỹ 60g quả trám đen với nước. Khi nước trở nên sánh đặc thì thêm 30g đường phèn, cô đặc thành cao. Mỗi ngày dùng 9g, mỗi lần 3g.
Hỗ trợ điều trị bệnh viêm phế quản mãn tính
Người mắc viêm phế quản mạn, kể cả trẻ em, có thể sử dụng bài
thuốc sau: Lấy 6g quả trám đen rồi đun sôi với nước trong 5 phút. Sau đó, cho thêm 6g trà xanh và đun thêm 15 phút nữa. Khi nước đã đun xong, bạn lọc lấy phần nước, để cho nguội bớt rồi thêm 1 thìa mật ong trước khi uống. Nên chia thành 3 lần uống trong ngày, uống khi nước thuốc còn ấm.
Trám đen giúp giải rượu và bảo vệ gan
Để giải rượu, bạn có thể ăn sống quả trám đen cùng một ít phèn chua. Hoặc cũng có thể sử dụng 12 quả trám đen đun cùng 1,5g phèn chua để lấy nước uống. Nước trám đen phèn chua nên đun tới khi có độ sệt như siro. Gia đình có thể nấu sẵn loại nước này để dùng dần, mỗi lần uống rượu, dùng khoảng 2 thìa cà phê sẽ giúp giải rượu và bảo vệ gan khỏi tác động của cồn.
Giảm ốm nghén cho bà bầu
Phụ nữ mang thai dễ bị ốm nghén với triệu chứng phổ biến như buồn nôn, nôn khan. Để giảm triệu chứng này, mẹ bầu nên dùng 12g trám đen kết hợp với 9g vỏ quýt hấp cách thủy. Khi chín, có thể dùng cả nước lẫn cái. Các chất dinh dưỡng trong quả trám đen cũng rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Chữa đau răng, sâu răng
Để chữa đau nhức hoặc sâu răng, bạn có thể nướng trái trám đen cho cháy đến thành than. Sau đó, nghiền nhuyễn than này thành bột và trộn cùng một ít xạ hương. Đắp hỗn hợp bột này trực tiếp lên chỗ đau hay sâu răng. Nếu kiên trì áp dụng, các triệu chứng đau nhức sẽ giảm đáng kể.
Chữa kiết lỵ, đi ngoài ra máu
Để chữa đi ngoài ra máu hoặc kiết lỵ, bạn nên dùng quả trám tươi sắc lấy nước và chia thành 3 lần uống trong ngày. Trong thời gian uống nước thuốc, nên kiêng những đồ ăn tanh như lòng trắng trứng, hải sản, thủy sản… để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Chữa chướng bụng và đau bụng do cảm phong hàn
Để chữa đau bụng, chướng bụng do cảm phong hàn, người bệnh dùng 60g quả trám tươi đã tách hạt, kết hợp với 10g gừng tươi, 10g tô tử và 15g hành tươi sắc cùng 1,2 lít nước. Đun thuốc đến khi nước cô lại còn khoảng nửa lít, sau đó thêm một chút muối hạt, khuấy tan và chắt ra uống khi còn ấm.
Chữa hóc xương cá bằng trám đen
Nếu bị hóc xương cá, hãy lấy phần cùi của quả trám đen, nhai nát trong miệng và nuốt dần dần. Các thành phần trong quả trám sẽ làm xương cá mềm ra và dễ dàng trôi xuống dạ dày. Cách này hiệu quả cho xương nhỏ và mềm, còn nếu là xương lớn và cứng, bạn nên đến cơ sở y tế để gắp.
Trên đây là những thông tin về đặc điểm và tác dụng của quả trám đen. Mùa trám thường bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 12 hàng năm. Nếu bạn thích hương vị bùi bùi của quả trám, hãy mua để chế biến các món ăn cho gia đình. Nếu muốn sử dụng trám để chữa bệnh, đừng quên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng nhé!
Xem thêm: Ăn trám có tốt không? Những lợi ích khi ăn quả trám