Nhóm kháng sinh Macrolid (thuốc Azithromycin, thuốc Erythromycin…) được dùng phổ biến trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Vậy cần thận trọng gì khi dùng thuốc Azithromycin để trị nhiễm trùng do vi khuẩn?
1. Công dụng của thuốc Azithromycin
Azithromycin được chỉ định để điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Đây là một kháng sinh thuộc nhóm macrolid, hoạt động bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Azithromycin dạng viên uống không có hiệu quả đối với các bệnh nhiễm trùng do virus (như cảm lạnh thông thường, cúm). Việc dùng sai chỉ định hoặc lạm dụng kháng sinh (bao gồm Azithromycin) có thể gây ra vi khuẩn đề kháng kháng sinh.
2. Hướng dẫn dùng Azithromycin dạng viên uống
Trước khi bắt đầu điều trị nhiễm khuẩn bằng Azithromycin, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc. Azithromycin dạng viên uống được uống qua đường miệng một lần mỗi ngày, có thể trước hoặc sau bữa ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu gặp đau dạ dày, bệnh nhân có thể uống thuốc sau bữa ăn. Liều lượng Azithromycin phụ thuộc vào mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe và phản ứng của bệnh nhân với điều trị. Đối với trẻ em, liều lượng Azithromycin được tính dựa trên cân nặng.
Đối với Azithromycin dạng hỗn dịch, trước khi sử dụng cần lắc kỹ chai thuốc. Sử dụng dụng cụ đo đặc biệt để định liều, không nên dùng thìa gia dụng vì có thể đo sai liều lượng. Nếu trẻ bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, phụ huynh nên liên hệ với bác sĩ để hỏi xem có cần lặp lại liều đó hay không.
Hãy tuân thủ đúng lượng và thời gian sử dụng Azithromycin, ngay cả khi triệu chứng nhiễm khuẩn đã biến mất. Dừng thuốc quá sớm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp tục phát triển, khiến nhiễm trùng tái phát.
Các thuốc kháng axit dạ dày có chứa nhôm hoặc magiê có thể làm giảm sự hấp thu của Azithromycin nếu dùng cùng lúc. Vì vậy, nếu người bệnh dùng kháng axit có chứa nhôm hoặc magiê, hãy uống các thuốc đó cách ít nhất 2 giờ (trước hoặc sau) liều Azithromycin.
XEM THÊM: Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng kháng sinh Azithromycin
3. Tác dụng phụ của thuốc Azithromycin
Các triệu chứng phổ biến của Azithromycin bao gồm:
- Khó chịu ở dạ dày;
- Tiêu chảy phân lỏng;
- Buồn nôn, nôn;
- Đau bụng.
Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào của Azithromycin kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ.
Một số tác dụng phụ ít gặp hơn của Azithromycin bao gồm:
- Thay đổi thính giác (như giảm thính lực, điếc);
- Vấn đề về mắt (ví dụ như sụp mí mắt, nhìn mờ);
- Khó nói, khó nuốt, yếu cơ;
- Dấu hiệu bệnh lý gan (như mệt mỏi bất thường, buồn nôn kéo dài, đau bụng dữ dội, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu).
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Azithromycin đòi hỏi chăm sóc y tế:
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
- Chóng mặt nghiêm trọng;
- Ngất xỉu.
Azithromycin có thể gây tiêu chảy do vi khuẩn Clostridium difficile (vi khuẩn kháng thuốc). Tình trạng này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc sau vài tuần đến vài tháng ngừng thuốc. Nếu xuất hiện triệu chứng tiêu chảy kéo dài, đau bụng, co thắt đường tiêu hóa, tiêu ra phân có máu hay chất nhầy, không nên sử dụng thuốc chống tiêu chảy hoặc các opioid.
Việc sử dụng Azithromycin kéo dài hoặc lặp lại có thể dẫn đến nhiễm
Nấm miệng, nấm âm đạo hoặc nhiễm các loại nấm men khác. Khi miệng xuất hiện các mảng trắng, dịch tiết âm đạo thay đổi hoặc có các triệu chứng nhiễm nấm khác, cần liên hệ với bác sĩ ngay.
Dị ứng thuốc có thể xuất hiện khi sử dụng viên uống Azithromycin, mặc dù tỷ lệ không cao. Nhận biết các dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng với thuốc Azithromycin như sốt kéo dài, sưng hạch bạch huyết, phát ban, sưng ngứa các bộ phận cơ thể, chóng mặt, và khó thở. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay cả sau khi đã ngừng thuốc.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Azithromycin
Trước khi dùng thuốc Azithromycin, cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn dị ứng với hoạt chất này hay các kháng sinh khác cùng nhóm (như erythromycin, clarithromycin, telithromycin) hoặc bất kỳ dị ứng nào khác. Bên cạnh đó, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tiền sử bệnh, đặc biệt là các bệnh về gan, thận, và một số bệnh về cơ nhất định (bệnh nhược cơ).
Thuốc Azithromycin có thể ảnh hưởng đến nhịp tim (kéo dài QT). Mặc dù hiếm gặp, nhưng tình trạng kéo dài QT có thể gây nhịp tim nhanh, nhịp không đều nghiêm trọng (hiếm khi gây tử vong) và các triệu chứng khác như chóng mặt nặng, ngất xỉu. Khi gặp tình trạng này, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Nguy cơ kéo dài QT có thể tăng lên nếu bạn mắc một số bệnh lý hoặc đang dùng các loại thuốc có khả năng gây kéo dài QT. Vì thế, trước khi sử dụng thuốc Azithromycin, cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang dùng cũng như các vấn đề về tim nếu có (suy tim, nhịp tim chậm, QT kéo dài trong ECG), và tiền sử gia đình có QT kéo dài hoặc có thân nhân đột tử do tim.
Việc mức độ kali hoặc magiê thấp trong máu có thể làm tăng nguy cơ kéo dài QT. Nguy cơ này có thể tăng lên nếu bạn dùng một số loại thuốc (như thuốc lợi tiểu) hoặc nếu bạn đổ mồ hôi nhiều, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Thuốc Azithromycin có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin vi khuẩn sống giảm độc lực (như vắc-xin thương hàn). Do đó, bạn không nên tiêm chủng khi đang sử dụng thuốc Azithromycin trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, một số đối tượng cần lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc Azithromycin như sau:
- Người lớn tuổi là đối tượng nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Azithromycin, đặc biệt là kéo dài QT.
- Trẻ sơ sinh (đặc biệt là dưới 6 tuần) có thể có nguy cơ cao mắc một số vấn đề nghiêm trọng về dạ dày khi dùng thuốc Azithromycin, phụ huynh cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu thấy con bị nôn mửa hoặc cáu kỉnh khi bú.
- Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, thuốc Azithromycin chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết và sau khi đã thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ.
5. Tương tác của thuốc Azithromycin
Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc Azithromycin hoặc tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Người bệnh cần liệt kê danh sách tất cả các sản phẩm đang sử dụng (bao gồm thuốc theo toa/không toa và các thảo dược) sau đó chia sẻ với bác sĩ và dược sĩ, không được tự ý bắt đầu/ngừng/thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.
Nhiều loại thuốc ngoài thuốc Azithromycin có thể ảnh hưởng đến nhịp tim (kéo dài QT), bao gồm amiodarone, chloroquine, disopyramide, dofetilide, dronedarone, hydroxychloroquine, ibutilide, pimozide, procainamid, quinidin, sotalol…
Thuốc Azithromycin chỉ được kê cho tình trạng nhiễm khuẩn hiện tại. Không nên sử dụng thuốc Azithromycin để phòng ngừa một bệnh nhiễm trùng khác trừ khi có yêu cầu của bác sĩ. Việc lạm dụng hoặc sử dụng không đủ liều lượng thuốc Azithromycin có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ và dẫn đến kháng kháng sinh. Vì vậy, bệnh nhân nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để điều trị bệnh và hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách.
.
.
Nguồn tham khảo: webmd.com