Niêm mạc là một lớp lót mỏng manh nhưng lại có khả năng duy trì sức khỏe tổng thể của chúng ta thông qua việc ngăn ngừa nhiễm trùng, hấp thụ các chất có hại và thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Hiểu rõ về hoạt động phức tạp của cơ chế phòng vệ thiết yếu này sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về hệ thống miễn dịch phức tạp của cơ thể.
Niêm mạc là gì?
Niêm mạc được ví như một lá chắn thần kỳ giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân xâm lược từ bên ngoài và đảm bảo môi trường bên trong cơ thể được an toàn và nguyên vẹn.
Vậy niêm mạc thực sự là gì? Niêm mạc, còn được gọi là màng nhầy, chủ yếu bắt nguồn từ nội bì và có cấu trúc phức tạp gồm các tế bào biểu mô và màng mô liên kết. Vai trò quan trọng của niêm mạc trải rộng trên nhiều khoang và cơ quan khác nhau, bao gồm lỗ mũi, miệng, mí mắt, khí quản, dạ dày, vùng sinh dục và hậu môn.
Về cơ bản, niêm mạc bao gồm các lớp tế bào biểu mô tạo thành hàng rào bảo vệ. Bên dưới lớp này, màng mô liên kết hay propri lamina giúp ngăn chặn mầm bệnh và chất bẩn xâm nhập vào cơ thể, đồng thời duy trì độ ẩm thiết yếu trong các mô của chúng ta.
Niêm mạc tuy mỏng manh nhưng có khả năng phục hồi đáng kể và khả năng hấp thụ các chất cụ thể, bao gồm cả chất độc. Những màng này đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành và điều hòa miễn dịch. Khi bị tổn thương, chất nhầy do niêm mạc tiết ra sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và giữ độ ẩm cho mô.
Bề mặt của niêm mạc có sự tồn tại của chất lỏng niêm mạc như nước bọt, nước mắt, chất nhầy ở mũi, dạ dày, cổ tử cung và phế quản. Những chất lỏng này không chỉ cung cấp độ ẩm mà còn chứa nhiều chất điều hòa miễn dịch và chất chữa bệnh như các yếu tố tăng trưởng, các protein kháng khuẩn và globulin miễn dịch.
Niêm mạc trong cơ thể có những loại nào?
Niêm mạc là lớp bảo vệ thầm lặng ngăn chặn cơ thể khỏi bị tổn hại. Chúng hiện diện tại nhiều cơ quan và bộ phận trong cơ thể, bao gồm các loại sau đây:
Niêm mạc tử cung
Niêm mạc tử cung, hay còn được gọi là nội mạc tử cung, bao phủ toàn bộ bề mặt trong của tử cung. Gồm hai lớp riêng biệt là lớp đáy (lớp nội mạc căn bản) và lớp nông (lớp nội mạc tuyến). Trong khi lớp đáy không chịu tác động bởi chu kỳ kinh nguyệt thì lớp nông lại chịu tác động lớn từ chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Bác sĩ chuyên khoa có thể đánh giá được khả năng thụ thai của phụ nữ dựa trên độ dày mỏng của niêm mạc tử cung. Cụ thể, nếu lớp niêm mạc tử cung dày hơn 20mm hoặc mỏng hơn 7 – 8mm, phụ nữ sẽ khó khăn trong việc mang thai. Thông thường, niêm mạc tử cung sẽ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt:
- Sau khi kết thúc kỳ kinh, lớp niêm mạc tử cung sẽ có độ dày 3 – 4mm.
- Trong giai đoạn giữa chu kỳ kinh nguyệt (gần thời điểm rụng trứng), lớp niêm mạc tử cung thường dày lên từ 8 – 12mm.
- Khi gần đến ngày kinh nguyệt, lớp niêm mạc tử cung sẽ dày từ 12 – 16mm. Nếu trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc này sẽ bong ra, tạo thành kinh nguyệt như chị em thường gặp.
Niêm mạc miệng
Khoang miệng cũng có một lớp niêm mạc bao phủ mà ít người biết đến. Niêm mạc miệng có khả năng phục hồi tốt, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương do các yếu tố sau:
- Viêm quanh răng/tủy răng và sâu răng;
- Nhiễm nấm, vi khuẩn hoặc virus;
- Bị ảnh hưởng từ các chấn thương bên ngoài;
- Dị ứng với một số loại thuốc;
- Ung thư biểu mô;
- Bệnh lý tự miễn.
Niêm mạc mũi
Niêm mạc mũi lót thành bên trong mũi và các xoang liên quan, giúp chống lại các chất ô nhiễm và nhiễm trùng.
Niêm mạc mũi có thể bị tổn thương và phù nề. Khi đó, lỗ thông của các xoang đổ vào mũi thường bị hẹp hoặc che lấp, gây ra viêm mũi.
Niêm mạc dạ dày
Niêm mạc dạ dày là lá chắn bảo vệ, có khả năng hấp thụ các chất độc hại để bảo vệ dạ dày khỏi tổn thương. Khi lớp phủ bên trong này bị tổn thương hoặc suy yếu, nó có thể dẫn đến các bệnh lý liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày tá tràng,… Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, nôn/buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn/ăn không ngon, thường xuyên ợ chua, đi ngoài phân đen (nếu viêm loét nặng gây xuất huyết dạ dày).
Niêm mạc mắt và lưỡi
Mắt và lưỡi tuy có chức năng khác nhau nhưng đều dễ bị nhiễm trùng.
Niêm mạc mắt (lớp màng che phủ phần lòng trắng mắt) giúp chống lại các chất kích thích, virus và dị ứng, các tác nhân có thể gây viêm kết mạc. Trong khi đó, niêm mạc lưỡi là lớp tế bào bao phủ lưỡi, bảo vệ lưỡi khỏi sự xâm nhập của virus và nấm.
Vai trò của niêm mạc
Sau khi đã hiểu rõ về niêm mạc và các loại niêm mạc khác nhau, chúng ta cũng cần nắm rõ vai trò của lớp màng lót này.
Như đã nói ở trên, lớp niêm mạc có mặt ở bất kỳ cơ quan hay bộ phận nào cũng đều có vai trò tạo ra một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Lớp này che phủ toàn bộ các bộ phận của hệ tiêu hóa, hô hấp, sinh sản,… và chứa chất nhầy để chống lại vi khuẩn/virus, giúp các bộ phận tránh khỏi tác động xấu từ dịch tiết của cơ thể.
Dù có cấu tạo mỏng manh, nhưng lớp niêm mạc lại mạnh mẽ và hiệu quả trong việc ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh và chất bẩn vào cơ thể. Ngoài ra, niêm mạc còn giúp giữ ấm và duy trì độ ẩm cần thiết cho các mô của cơ thể.
Niêm mạc cũng có khả năng hấp thu cả các chất độc hại. Mặc dù vậy, niêm mạc lại rất dễ bị viêm đau và tổn thương (rách/hỏng). Trong trường hợp này, lớp chất nhầy sẽ đảm nhận vai trò của niêm mạc, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và giữ ẩm mô.
Bề mặt niêm mạc đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát miễn dịch cũng như bảo vệ chống lại nhiễm trùng, nhờ vào hàng rào biểu mô bán thấm. Hàng rào này được củng cố bởi các cơ chế miễn dịch bẩm sinh và thích ứng. Dưới lớp biểu mô là nơi tập trung các tế bào lympho, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của vi sinh vật, đồng thời làm trung gian trong các phản ứng miễn dịch.
Trên bề mặt niêm mạc còn là nơi cư trú của hệ vi sinh vật đa dạng, cộng đồng vi khuẩn này đóng góp vào sức khỏe chung nhưng cần sự kiểm soát của hệ miễn dịch tại những khu vực này.
Tóm lại, niêm mạc tuy không thường được chú ý nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng. Lớp bề mặt niêm mạc hình thành như là rào chắn thiết yếu giữa cơ thể và môi trường bên ngoài, giúp bảo vệ chúng ta trước các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, do chúng rất dễ bị tổn thương, chúng ta cần chú ý bảo vệ niêm mạc để phòng tránh nhiều bệnh viêm nhiễm.
Xem thêm:
- Nguyên nhân niêm mạc mũi bị chảy máu và cách xử lý
- Niêm mạc ba lá là gì? Ảnh hưởng như thế nào đến khả năng thụ thai